Trong ngành chăn nuôi và thủy sản, chi phí thức ăn thường chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất, với nuôi trồng thủy sản, chi phí này chiếm khoảng 50 đến 70%. Thức ăn được sử dụng trong quá trình nuôi trồng cũng chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng, giá thành sản phẩm. Thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng ở từng giai đoạn phát triển sẽ giúp vật nuôi tiêu hóa tốt, khỏe mạnh và sinh trưởng nhanh.
Trong nuôi trồng thủy sản, có 4 loại thức ăn: thức ăn tự nhiên, thức ăn tươi sống, thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp.
Thức ăn tự nhiên: Các loại thức ăn tự nhiên cho cá luôn có sẵn trong nguồn nước, được sử dụng làm nguồn thức ăn cho thủy sản. Thức ăn tự nhiên được chia thành các loại: thực vật phù du, vi khuẩn: tảo, vi khuẩn; động vật phù du: những động vật sống trôi nổi trong nước, có kích thước vô cùng nhỏ đến có thể nhìn bằng mắt thường như sứa..; Mùn đáy: Là những xác thực vật, động vật khi rơi xuống đáy, phân hủy và lắng đọng.
Thức ăn tuơi sống: là nguồn thức ăn từ động vật tươi sống, có giá trị kinh tế thấp, mức sinh sản tăng nhanh như: cá rô phi, mè trắng, cá bạc đầu, giun quế,… Có thể chăn nuôi xen kẽ để làm thức ăn cho những động vật có giá trị kinh tế cao như: baba, lươn, cá...
Thức ăn tự chế: rau xanh, cỏ, cá tạp, cua, hến, cám gạo… phối trộn theo công thức. Sau đó nấu chín rồi cho cá ăn, hoặc được phun nước ẩm rồi đưa vào máy ép viên, phơi khô cho ăn dần. Thức ăn tươi sống và thức ăn tự chế thường là nguồn gây ô nhiễm nước. Nguyên liệu là cá tạp, ốc, hến… là vật thể trung gian lan truyền dịch bệnh cho thủy sản.
Thức ăn công nghiệp: là thức ăn chuyên biệt được sản xuất từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có 2 loại: thức ăn dạng chìm để nuôi giáp xác, một số loài cá ăn chìm và thức ăn nổi. Thức ăn công nghiệp được sản xuất từ bột cá, khô dầu đậu nành, bột mì, dầu cá, các loại vitamin, enzyme, acid amin và khoáng chất… Thức ăn công nghiệp chất lượng cao có thành phần dinh dưỡng cân đối, bổ sung các vitamin, khoáng chất, chất dẫn dụ tạo mùi vị hấp dẫn, giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, bảo vệ hệ vi sinh đường ruột, tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên giúp tôm cá khỏe mạnh và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm cá, giúp tôm cá lớn nhanh, giảm lượng thức ăn thừa trong ao, giảm ô nhiễm môi trường.
Trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản; hộ kinh doanh (sản xuất, mua bán, sơ chế) không phải công bố hợp quy đối với thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.